Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Khách sạn khuyến khích du khách khỏa thân chụp ảnh


Khách sạn Art Series tại Australia khuyến khích du khách nghỉ tại đây chụp ảnh selfie khỏa thân. Chương trình này nằm trong chiến dịch mới của khách sạn, có tên gọi No Robe, nhằm giúp khách thuê phòng có được cảm giác tự do, News đưa tin ngày 25/4.


Theo đó, chương trình này yêu cầu du khách chia sẻ các bức ảnh selfie chụp hình khỏa thân của mình. Những người đặt phòng với gói No Robe (giá 229 USD một đêm) sẽ được cung cấp sẵn một máy ảnh.




Khach san khuyen khich du khach khoa than chup anh

Khách sạn trấn an du khách rằng, đây là chiến dịch nude vì nghệ thuật, không mang yếu tố dâm dục. Ảnh: News.


Tại phòng riêng của mình, khách có thể chụp nhiều tấm ảnh khỏa thân tùy thích. Sau đó, bạn chọn ra một tấm và nó sẽ được gửi cho các nghệ sĩ để phác thảo, tạo thành tác phẩm nghệ thuật. Các bức ảnh gốc sẽ được xóa ngay lập tức sau đó để đảm bảo người tham gia không gặp rắc rối.


CEO của Art Series, De Deague cho biết khách sạn sẽ nhiệt tình hỗ trợ du khách thuê phòng tham gia vào hoạt động này. Họ sẽ được chào đón với sự sáng tạo không giới hạn.


“Chúng tôi khuyến khích mọi người dám khác biệt và bộc lộ cá tính của mình. Họ sẽ thấy mình như được giải phóng khỏi mọi định kiến ràng buộc lâu nay”.


Deague cũng nhấn mạnh, các bức ảnh khỏa thân không hề thể hiện sự nhục dục. “Bạn sẽ thấy đó là các tác phẩm nghệ thuật thực sự”.


Du khách tới chuỗi khách sạn Art Series tại Melbourne, Bendigo, Adelaide và Brisbane từ ngày 1/5 đến 15/6 cũng có thể đăng ký vào trải nghiệm này.


Theo Anh Minh/Vnexpress


Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, nhà nghỉ, hotel mini

Bot statistics for this page


Khách sạn khuyến khích du khách khỏa thân chụp ảnh

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Ngăn chặn việc 'găm' phòng gây sốt giá khách sạn dịp nghỉ lễ


Ảnh minh họa


Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 21/4 cho biết, dịp nghỉ lễ 30 /4-1/5 năm nay kéo dài, khách quốc tế và khách đi du lịch trong nước đến các khu, điểm du lịch đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan dự báo sẽ tăng mạnh.


Đây là cơ hội tốt để ngành du lịch cùng các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước đón và phục vụ du khách, kích cầu du lịch, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm thị trường.


Để tránh các hiện tượng phát sinh, gây ảnh hưởng xấu tới du khách, hình ảnh của du lịch địa phương và du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các dịch vụ của các đơn vị cung ứng dịch vụ, đặc biệt là tại các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, các khu điểm du lịch và vui chơi giải trí trên địa bàn.


Huy động lực lượng để bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; kiểm tra trang thiết bị phòng cháy chữa cháy; phát hiện ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch; không phân biệt đối xử với du khách…


Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống như nhà hàng, khách sạn… Tổng cục Du lịch yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, sử dụng phẩm màu và các chất phụ gia có nguy cơ gây độc hại cho người sử dụng. Đồng thời bố trí đủ lực lượng cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm để phục vụ khách du lịch chu đáo.


Để tránh tình trạng “chèn ép”, bán phá giá trong mùa cao điểm du lịch gây bức xúc trong dư luận, Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương cần phải thực hiện việc bình ổn giá dịch vụ du lịch.


Trong đó, tăng cường kiểm tra kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật về giá, niêm yết và bán đúng theo giá niêm yết. Đặc biệt, không để xảy ra việc “găm” phòng, thổi giá ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch địa phương nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.


Nguồn Dantri


Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Bot statistics for this page


Ngăn chặn việc "găm" phòng gây sốt giá khách sạn dịp nghỉ lễ

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

Khách sạn tăng mạnh, sân bay ùn tắc

Theo thống kê của Savills Việt Nam, nguồn cung phòng khách sạn tại TP.HCM lớn nhất Việt Nam, hơn 70% so với Hà Nội. Thách thức ngành du lịch hiện nay là vấn đề quá tải tại các sân bay.


Ông Troy Griffiths, Phó TGĐ Điều hành Savills Việt Nam cho biết, nguồn cung khách sạn tại TP.HCM xấp xỉ khoảng 16.000 phòng khách sạn 3-5 sao. Trong ba năm tới, tại đây sẽ có thêm 3.500 phòng mới, tăng 22%. Áp lực nguồn cung sẽ cao hơn ở Hà Nội, với nguồn cung trong tương lai chiếm đến 50% tổng nguồn cung hiện tại.


Trong khi đó, Nha Trang là thành phố có lượng nguồn cung khách sạn lớn nhất trong số các thành phố ven biển, với hơn 12.000 phòng khách sạn 3-5 sao và có công suất được thuê cao nhất. Trong năm 2016, thành phố này đón 1,2 triệu khách du lịch quốc tế, thấp hơn 30% so với Đà Nẵng.




phòng khách sạn, sân bay, khách du lịch, khách sạn 5 sao, du lịch việt nam
Nguồn cung phòng khách sạn tăng mạnh

Phú Quốc là điểm đến lý tưởng cho du lịch cao cấp, phân khúc 5 sao chiếm 71% với 2.500 phòng từ 3-5 sao. Tuy nhiên, với việc là thị trường mới nổi, một lượng lớn nguồn cung trong tương lai có thể sẽ thách thức khả năng hoạt động của các chủ đầu tư.


Cho đến năm 2016, nguồn cung lưu trú cho du lịch được xếp hạng tại Việt Nam tăng 18% theo năm, đạt 420.000 phòng. Từ năm 2013 đến 2016, nguồn cung khách sạn 4-5 sao tăng trung bình 20% hàng năm.


Thời gian lưu trú trung bình thay đổi theo điểm đến phổ biến. Trong năm 2016, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế đến Nha Trang là 3,5 ngày, so với 2,8 ngày ở Đà Nẵng và 2,6 ngày ở Phú Quốc.


Trong năm 2016, các thành phố nghỉ dưỡng và đảo của Việt Nam đã vượt qua TP.HCM và Hà Nội trong tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn và là lựa chọn mới cho khách du lịch quốc tế, với tốc độ tăng trưởng khách đến 40%. Trong khi đó, Đà Nẵng trên 30%, và Nha Trang ở mức 23%, cũng vượt qua tốc độ tăng trưởng của TP.HCM (10%) và Hà Nội (19%).


Tuy nhiên, theo Bộ VH-TT&DL, trong năm 2016, có khoảng 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, chỉ bằng một nửa so với lượng khách đến những điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan và Malaysia.




phòng khách sạn, sân bay, khách du lịch, khách sạn 5 sao, du lịch việt nam
Sân bay quá tải ảnh hưởng tới phát triển du lịch

Mặc dù những con số tăng trưởng ngành du lịch khá ấn tượng nhưng thách thức hiện nay là hạ tầng sân bay, theo đại diện của Savills Việt Nam. TP.HCM bị quá tải 130% và Nha Trang là 320%. Sân bay Đà Nẵng hoạt động quá tải 113% mặc dù đã được nâng cấp vào năm 2011, từ 4,5 đến 6 triệu hành khách mỗi năm. Trong năm 2016, tổng lượng khách du lịch quốc tế di chuyển bằng đường hàng không đạt 8,2 triệu, chiếm hơn 80% lượng khách du lịch.


Trong hơn hai năm tới, Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sẽ tăng công suất từ 25 đến 38 triệu hành khách mỗi năm. Tới năm 2017, sân bay nội địa Đà Nẵng hiện công suất 9 triệu hành khách/năm sẽ được mở rộng để đón thêm 4-6 triệu hành khách mỗi năm.


Nha Trang đang bị chậm tiến độ, với dự án mở rộng sân bay Cam Ranh giai đoạn một bị trì hoãn từ đầu năm 2016 đến quý 1/2018. Với việc đón 4,8 triệu lượt khách trong năm 2016, công suất nâng cấp dự kiến 2,5 triệu hành khách mỗi năm sẽ không đủ đáp ứng ngay cả trong giai đoạn hiện tại.


Theo kế hoạch tổng thể của chính phủ, khoảng 5,6 tỷ USD sẽ được đầu tư để nâng cấp hạ tầng sân bay cho đến năm 2020. Nâng cấp hạ tầng là yếu tố then chốt để đánh giá khả năng phát triển du lịch, đặc biệt với sự phát triển của nguồn cung mới tăng 30% hàng năm trong 3 năm trở lại đây tại Đà Nẵng, Nha Trang và TP.HCM.


Duy Anh


Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, hotel mini Skyhotel

Bot statistics for this page


Khách sạn tăng mạnh, sân bay ùn tắc

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Két sắt trong khách sạn có thực sự an toàn?

Chỉ với một mảnh kim loại giống như một cái kẹp giấy, Jim Stickley, một chuyên gia về an ninh mạng đã dễ dàng mở được két sắt trong khách sạn mà không cần biết mật khẩu khóa số.





ket sat trong khach san co thuc su an toan hinh 1
Két sắt trong khách sạn có thực sự an toàn?

Stickley nói với tờ The Huffington Post: “Mọi người thường nghĩ rằng két sắt ở khách sạn an toàn, nguy cơ mất đồ thấp”.


Thực tế thì, bằng vài thao tác di chuyển mảnh kim loại, Stickley nhanh chóng mở được khóa két sắt.


“Tôi khuyên những người đi du lịch nên mang những thứ quan trọng hoặc những đồ vật có giá trị bên mình”, Chris McGoey – chuyên gia an ninh điều hành công ty McGoey Security Consulting ở Los Angeles phát biểu trên The Huffington Post.


McGoey cũng đưa ra những lời khuyên dành cho du khách trong việc bảo vệ tài sản có giá trị:


- Két sắt của khách sạn chỉ đảm bảo an toàn ở mức độ tương đối, tất nhiên là sẽ an toàn hơn khi bạn để tài sản có giá trị trong hành lý hoặc giấu trong ngăn kéo.


- Hãy hỏi nhân viên lễ tân về việc cất giữ những đồ có giá trị. Các khách sạn thường có một bộ phận phụ trách việc này./.


Xem clip:



Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Bot statistics for this page


Két sắt trong khách sạn có thực sự an toàn?

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Dự báo giá phòng khách sạn đồng loạt tăng trong năm 2017

Theo một báo cáo mới nhất của tập đoàn du lịch Advito, dự báo giá phòng khách sạn thế giới sẽ đồng loạt tăng trong năm 2017. Theo đó, mức tăng giá phòng sẽ dao động từ 1 đến 5 %.



Nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá phòng là do tình trạng cung không đủ cầu. Nhu cầu của du khách đi du lịch ngày càng nhiều nhưng số lượng phòng khách sạn lại ít và chưa có sự đa dạng về chất lượng, giá cả.


Những khu vực được dự báo là giá phòng tăng mạnh là ở Bắc Mỹ, Trung Đông và vùng Tây Nam Thái Bình Dương. Trong khi đó, giá phòng khách sạn ở Châu Âu, Châu Phi sẽ chỉ tăng nhẹ.




Advito cũng đưa ra dự báo, việc các hãng hàng không trang bị thêm nhiều máy bay mới cùng với tình hình giá dầu thấp khiến mức giá vé máy bay hạng phổ thông sẽ được giữ như hiện tại. Những hạng vé phổ thông xuyên lục địa có xu hướng sẽ giảm nhẹ, trừ khu vực châu Âu. Tuy nhiên, giá vé sẽ tăng từ 3 – 5% với những hành khách hạng thương gia mua vé tại vùng Tây Nam Thái Bình Dương và châu Á.


Ms.Smile


Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, resort Skyhotel

Bot statistics for this page


Dự báo giá phòng khách sạn đồng loạt tăng trong năm 2017

Nhiều khách sạn ở Quảng Bình đã kín chỗ dịp nghỉ lễ

Khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung (tháng 4-2016), ngành Du lịch Quảng Bình trở nên điêu đứng. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng đìu hiu vắng khách.


Sau một năm vượt khó của chính quyền và người dân trên địa bàn, du lịch Quảng Bình đã sôi động trở lại. Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, gần 90% phòng nghỉ các khách sạn trên địa bàn TP Đồng Hới đã được đặt phòng.


Điều này chứng tỏ, du khách tin tưởng vào biển Quảng Bình đã sạch sau sự cố môi trường biển, đồng thời khẳng định những hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Bình đang đi đúng hướng.




Cảnh đẹp mê hoặc cùng với các sản phẩm du lịch mới đã níu kéo nhiều du khách đến Quảng Bình.

Trong quá trình tìm tư liệu cho bài viết, chúng tôi được biết, khách du lịch đến Quảng Bình trong quý I/2017 dự ước đạt 608.434 lượt khách đạt 96,88% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách quốc tế đạt 10.927 lượt khách tăng 8,84% so với cùng kỳ (Thời điểm quý I/2016 là thời điểm Quảng Bình chưa chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển và đang trên đà tăng trưởng nhanh từ năm 2015).


Tổng doanh thu du lịch ước đạt 630 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2016. Hầu hết  khách sạn từ 3 sao trở lên, từ đầu năm đến nay có lượng khách tương đối ổn định. Trong dịp 30-4 và 1-5, các khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, số lượng khách đặt phòng đã đạt gần 90% công suất của các khách sạn.


Các khu, tuyến, điểm du lịch Quảng Bình hiện nay ở khu vực biển và khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng như: “Khám phá thung lũng Hamada – hang Trạ Ang”, “Khám phá thiên nhiên rào Thương – hang Én”, “Khám phá động Phong Nha – chiều sâu bí ấn”, “sông Chày – hang Tối”… vẫn duy trì được số lượng khách ổn định. Đặc biệt là các tuyến, điểm du lịch trải nghiệm, mạo hiểm khách du lịch tăng gần 10% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi các tour du lịch theo dấu chân phim trường bộ phim “Kong: Skull Island” đưa vào khai thác.


Thậm chí có nơi do lượng khách đăng ký đổ về quá đông như ở tuyến du lịch suối nước Mọoc – hang Tối ở Phong Nha – Kẻ Bàng, Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng phải đưa ra khuyến cáo: “Dịp lễ 30-4 và 1-5 hàng năm tại suối nước Mọoc – hang Tối thường xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.


Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng khuyến cáo du khách cần cân nhắc khi đi du lịch suối nước Mọoc – hang Tối vào những ngày cao điểm nói trên. Đối với người địa phương, nếu có điều kiện, thời gian, vui lòng không đến hang Tối – suối nước Mọoc vào 2 ngày giữa của kỳ nghỉ”.


Theo ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, để đón tiếp khách trong dịp nghỉ lễ năm nay, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình sẽ tổ chức giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc và các hoạt động du lịch, thể thao trên biển từ ngày 20-4 đến ngày 23-4, đồng thời ngành Du lịch tỉnh này phối hợp với Vụ Thị trường Tổng cục Du lịch đón tiếp đoàn các blogger nổi tiếng thế giới đến Quảng Bình đến quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình lên mạng xã hội.


Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Quảng Bình đã lựa chọn phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vì vậy trong thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh. Chính việc quảng bá, xúc tiến du lịch đã góp phần quan trọng để du khách về với Quảng Bình.


Trong quý I/2017, tỉnh đã tổ chức thành công chương trình quảng bá du lịch và xúc tiến đường bay Quảng Bình – Chiềng Mai, đón đoàn các doanh nghiệp du lịch Chiềng Mai. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị hoàn thiện các thủ tục liên quan để mở đường bay Quảng Bình -Chiềng Mai.


Các đơn vị lữ hành quốc tế tại Đà Nẵng, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị đã hoàn thiện các sản phẩm du lịch qua đường bay và chờ ngày khai trương đường bay để chào bán như: Vietnam Travel Mart, Thái Việt Smile (Đà Nẵng); Viettravel Vinh, Du lịch ABC, Du lịch Anh Em (Nghệ An); Lữ hành SEPON (Quảng Trị); Du lịch HGH (Thừa Thiên – Huế)…


Tổ chức thành công chương trình quảng bá du lịch và xúc tiến đường bay Đồng Hới – Cát Bi, vé của đường bay này đã được mở bán trên hệ thống của Jetstar Pacific Airlines từ 10h00 ngày 30-3-2017.


Đặc biệt, tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thành công chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, gây ấn tượng mạnh mẽ và tạo hiệu ứng quảng bá sâu rộng du lịch Quảng Bình đến khách du lịch tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, hứa hẹn tạo nên làn sóng khách du lịch lớn từ thị trường này đến Quảng Bình trong mùa du lịch 2017.


Để đón tiếp khách du lịch “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”, tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch.


Dương Sông Lam



Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Bot statistics for this page


Nhiều khách sạn ở Quảng Bình đã kín chỗ dịp nghỉ lễ

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Khách sạn 5 sao ở Hà Nội phủ kín 80%, tốt nhất 5 năm


Hiếm có khi nào các khách sạn ở Hà Nội ngay quý 1 đầu năm đã “cháy phòng” như năm nay. Đặc biệt ở phân khúc khách sạn 5 sao, có thể nói khách du lịch phải khá khó khăn để đặt được phòng.


492ks-Metropole


Đây là nhận định của bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Savills Hà Nội về tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn trong quý 1.


Bà Hằng cho biết, thị trường khách sạn tại Hà Nội đang hoạt động rất tốt xét về cả công suất lẫn giá phòng, hoạt động của phân khúc 5 sao đóng góp lớn vào việc tăng công suất khách sạn trung bình 4 điểm % theo quý và 10 điểm % theo năm. Giá phòng bình quân cũng tăng 21% theo quý và 41% theo năm do sự tăng giá của tất cả các phân khúc. Doanh thu phòng trung bình tăng 28% theo quý và 64% theo năm.


Lý giải về việc công suất khách sạn 5 sao đạt kỷ lục về công suất ngay từ quý 1, bà Hằng cho rằng, thời gian qua du khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, riêng tại Hà Nội đạt 1,3 triệu lượt khách trong quý 1 trong khi nguồn cung thị trường khách sạn Hà Nội hầu như không đổi thậm chí giảm 4% so với năm ngoái.


“40% du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ lưu trú lại tại Hà Nội, nhu cầu khách sạn 5 sao tăng cao trong khi nguồn cung không tăng thêm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách sạn tại Hà Nội hoạt động hết công suất, đồng thời, kéo giá phòng tăng lên”, bà Hằng cho hay.


Savills dự báo, trong năm 2017, hơn 900 phòng khách sạn tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. Đây không phải là một con số lớn nên khả năng thị trường khách sạn Hà Nội vẫn duy trì được công suất và giá phòng cao trong thời gian tới.


Tình trạng thiếu nguồn cung khách sạn tại Hà Nội đã diễn ra trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ngày càng tăng.


Du lịch Thủ đô đang đứng trước cơ hội bứt phá, các khách sạn 5 sao liên tục cháy phòng, đạt công suất cao kỉ lục.


Khách quốc tế tăng mạnh, nhu cầu khách sạn 5 sao bùng nổ


Theo Cục Thống kê Hà Nội, ước tính cứ 10 khách ngoại đến Việt Nam thì có 4 người đến Hà Nội. Hà Nội là điểm trung chuyển quan trọng để đến các địa danh du lịch nổi tiếng phía Bắc như Sapa, vịnh Hạ Long, Tràng An – Bái Đính và từ đó di chuyển các địa danh nổi tiếng của Việt Nam như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang…


Savills nhận định, tăng trưởng khách du lịch của Việt Nam sẽ tăng cao trong vài năm tới. Năm 2016 Việt Nam đạt kỷ lục về lượng khách quốc tế đến Việt Nam với 10 triệu lượt người.


Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng, tiềm năng du lịch dồi dào, có nhiều chính sách thu hút khách du lịch như miễn visa, làm thủ tục visa điện tử… dự kiến khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng mạnh trong nhiều năm tới. Ước tính của Savills, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng khoảng 20% trong năm nay.


So sánh với bức tranh du lịch của Việt Nam và một số nước trong khu vực, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết du lịch Singapore đạt 14-15 triệu lượt khách quốc tế/năm, Thái Lan đạt 35 triệu lượt/năm, trong khi đó Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được con số như Singapore. Ông Tuấn cho rằng Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi với nhiều cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, cùng với chính sách hợp lý ngành du lịch sẽ phát triển bùng nổ trong thời gian tới, thu hút mạnh khách quốc tế.


Theo mục tiêu đến năm 2020 đặt ra, Việt Nam sẽ thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp hơn 105 GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD. Cùng với sự tăng trưởng nhanh của khách du lịch sẽ kéo theo nhu cầu về khách sạn bùng nổ, đặc biệt khách sạn 4-5 sao.


Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, hotel mini Skyhotel

Bot statistics for this page


Khách sạn 5 sao ở Hà Nội phủ kín 80%, tốt nhất 5 năm

Việt Nam có đang thừa khách sạn, resort?

Taị buổi tọa đàm “Hạ tầng du lịch – nền tảng cho du lịch Việt Nam cất cánh” vừa diễn ra ngày 14/4, các chuyên gia đều đồng tình việc xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là hướng đi đúng.

Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng du lịch có nhiều thế mạnh để phát triển và đặc biệt với ngành này, người Việt Nam có cơ hội làm chủ trên chính mảnh đất của mình.


“Người Việt Nam ta chưa có cơ hội thành công với công nghiệp và công nghệ. Chúng ta đã từng muốn thành công với công nghiệp tàu thủy, ô tô, điện tử… Chúng ta muốn đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển, nhưng đến nay chúng ta đã rút lại mục tiêu đó rồi, bởi có 15/20 chỉ tiêu không đạt được”, ông Nam nói.


Còn với nông nghiệp, ông Nam cho rằng, nếu cứ tiếp tục phương thức sản xuất dựa trên hộ gia đình thì khó có thể tiếp cận với công nghệ cao. Nếu không áp dụng công nghệ thì năng suất không cao, khó có khả năng tạo nên sự bứt phá.


“Còn du lịch thì sao? Người dân chúng ta hoàn toàn có thể làm du lịch được. Điều hành khách sạn 4 – 6 sao Việt Nam hiện phải thuê nước ngoài, đầu bếp nhiều món cũng phải thuê nước ngoài.


Nhưng như vậy nhưng ta làm chủ, còn họ chỉ làm thuê. Còn hơn người nước ngoài nhảy vào thuê ta gia công lắp ráp. Nói như vậy để khẳng định lựa chọn du lịch là kinh tế mũi nhọn là chuẩn xác. Chúng ta trở thành người chủ trên chính mảnh đất của chúng ta”, ông Nam nhấn mạnh.




Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc Trung ương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là hướng đi rất chuẩn xác.

Điều này theo ông Nam lại càng có ý nghĩa đối với một năm như năm 2017. Tăng trưởng GDP quý I vừa công bố chỉ đạt 5,1%, đây là mức tăng rất thấp và đáng lo ngại. Trong đó, sản xuất công nghiệp thì tăng thấp, nông nghiệp thì gặp khó khăn về môi trường, biến đổi khí hâu…




Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho biết thêm, phiên họp Liên hiệp Quốc vừa qua có thảo luận về việc những nước nào đã thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, trong đó nhiều nước thoát nghèo nhờ du lịch như Mali. Vị chuyên gia này tin tưởng Việt Nam cũng hoàn toàn có thể phát triển theo hướng này.


Việt Nam có đang thừa resort, khách sạn?



Cũng tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết hiện có nhiều ý kiến cho là Việt Nam nhiều khách sạn, resort quá.


“Tôi không có số liệu cụ thể để so sánh với các nước trong khu vực, nhưng về mặt cảm tính để nhận xét thì tôi thấy hạ tầng du lịch của mình, đặc biệt là các tổ hợp phức hợp khu du lịch vui chơi của mình chưa ăn thua gì so với thế giới”, ông Nam nói.


Ông Nam cũng cho rằng số lượng phòng khách sạn 5 sao của Việt Nam cũng chưa ăn thua gì so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, một số tổ phức hợp du lịch lớn lại có thể kéo cả tỉnh trở nên nổi tiếng vì du lịch, như Bình Định hiện nay chẳng hạn.



Ông Lương Hoài Nam cho biết năm ngoái, Việt Nam đón được 10 triệu khách quốc tế. Trong khi Singapore đón 20 triệu khách, HongKong đón 25 triệu, Thái Lan đón 30 triệu. Như vậy, số khách du lịch Việt Nam chỉ bằng 1/2 Singapore, bằng 2/5 HongKong, bằng 1/3 Thái Lan.


 Ông Lương Hoài Nam.


“Báo chí vừa đưa ra một con số đau lòng là thành phố này không giữ được khách du lịch quá 3 ngày. Nếu như thời gian tới đây nếu giữ được 5-7 ngày thì lấy đâu ra phòng. Vì vậy nói số phòng, resort của Việt Nam nhiều thì chưa đúng”, ông Nam cho rằng vấn đề hiện nay của ngành du lịch đó là làm sao để thu hút và giữ chân được khách ở lại lâu hơn.


Khi đề cập vấn đề này, ông Nam cũng bàn thêm về câu chuyện visa. Ông Nam cho biết nhiều người nói bỏ đi thì khó quá, có thể giảm từ 45 xuống 25 USD, nhưng đối với những người giàu, 45 hay 25 USD không quan trọng. Điều quan trọng là họ không muốn có thủ tục này.


“Chúng ta vẫn nói thế mạnh của du lịch Việt Nam là ẩm thực, nhưng tôi hiếm thấy ai quyết định điểm đến mà dựa vào ẩm thực địa phương. Chúng ta phải hiểu cho đúng nhu cầu và đáp ứng nhu cầu đó thì mới phát triển được”, ông Nam nói.




Đăng ký Quản lý khách sạn Skyhotel

Bot statistics for this page


Việt Nam có đang thừa khách sạn, resort?

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Khách MICE đến TPHCM tăng, doanh nghiệp lo thiếu khách sạn


Khách MICE đến TPHCM tăng, doanh nghiệp lo thiếu khách sạn


Đào Loan




Khách du lịch làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn 5 sao Rex ở TPHCM – Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Lượng du khách MICE (du lịch kết hợp tham gia sự kiện) đến TPHCM tăng trưởng khá cao trong thời gian gần đây nhưng doanh nghiệp lại lo thiếu khách sạn và nơi tổ chức các sự kiện như hội nghị, triển lãm để phục vụ khách.


Thông tin từ nhiều khách sạn lớn tại TPHCM cho biết, công suất phòng bình quân của những khách sạn này đạt khá cao trong quí 1-2017. Có thời điểm như tháng 2-2017, nhiều khách sạn 4-5 sao đạt công suất phòng bình quân lên đến hơn 80%, thậm chí 90%.


Nhiều khách sạn loại tốt kín phòng khiến cho việc tìm chỗ ở cho khách MICE khó khăn. “Trong tháng 2-2017, chúng tôi rất vất vả khi tìm khách sạn cho một số đoàn MICE. Hiện tại, tình hình đã bớt căng kéo hơn nhưng nếu thị trường cứ tăng đều đặn như thời gian gần đây thì trong thời gian tới, TPHCM lại tiếp tục thiếu khách sạn cho khách MICE “, một nguồn tin từ Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nói.


Không chỉ Saigontourist mà nhiều doanh nghiệp khác cũng có nhận định tương tự, rằng từ năm ngoái đến nay, lượng khách MICE đến TPHCM tăng trưởng tốt, có nhiều công ty tăng đến 20%. Tuy nhiên, do thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khách sạn và nơi tổ chức sự kiện nên có đơn vị phải chuyển sự kiện ra địa phương khác.


“Chúng tôi đã phải chuyển một số đoàn MICE ra Đà Nẵng, Nha Trang. TPHCM có thể phát triển du lịch MICE rất tốt nhưng phải đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống khách sạn, trung tâm hội nghị thì mới đón được nhiều khách”, ông Nguyễn Ngọc Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Bến Thành Tourist nói.


Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, tính đến tháng 2-2017, thành phố 1.926 khách sạn được xếp hạng sao với 48.182 phòng, số còn lại là căn hộ du lịch và nhà nghỉ du lịch. Trong đó, có 116 khách sạn 3-5 sao với 14.641 phòng. Công suất phòng của khách sạn 3-5 sao bình quân đạt khoảng 70%. Cơ quan quản lý du lịch đang kiến nghị với lãnh đạo thành phố về việc ban hành những cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng, hoặc mở rộng, nâng cấp các khách sạn 3- 5 sao có quy mô lớn, cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng tốt, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ phát triển phân khúc du lịch MICE.


Doanh nghiệp cho rằng, thành phố nên đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các trung tâm triển lãm. Hiện nay, cả thành phố chỉ có hai trung tâm (GEM center ở quận 1 và trung tâm triển lãm ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7) có thể đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện quốc tế. Tuy nhiên, GEM center không thích hợp cho những sự kiện triển lãm lớn còn trung tâm ở Phú Mỹ Hưng thì đã kín chỗ. Trong năm nay, trung tâm này có đến 56 sự kiện triển lãm lớn, số lượng đặt chỗ cho năm 2018 cũng rất nhiều nên doanh nghiệp đang phải “đỏ con mắt” để tìm địa điểm tổ chức khác.


Nhưng vấn đề còn ở chỗ cơ sở hạ tầng không đồng bộ. “Chẳng hạn, trung tâm triển lãm ở Phú Mỹ Hưng ở xa trung tâm, xa sân bay; ngoài không gian triển lãm thì những tiện ích khác như khách sạn, nhà hàng lại thiếu. Vì thế, chúng tôi cần một trung tâm triển lãm chuyên nghiệp, có đủ các dịch vụ hậu cần cho các sự kiện lớn”, một doanh nhân nói.


Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, hotel mini Skyhotel

Bot statistics for this page


Khách MICE đến TPHCM tăng, doanh nghiệp lo thiếu khách sạn

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Đà Nẵng “bùng nổ” condotel

Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng tăng cao, kéo theo hàng loạt dự án đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) du lịch, trong đó phân khúc căn hộ khách sạn (condotel) – hợp tác cho thuê lại chia sẻ lợi nhuận được các nhà đầu tư quan tâm, theo đuổi. Tuy nhiên, điều này đang gây áp lực lên hạ tầng đô thị và tính pháp lý của dự án.


“Bùng nổ” condotel


Theo đánh giá của Cty chuyên nghiên cứu thị trường CBRE, khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đang chiếm đa số thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng (khoảng 80% số giao dịch thành công). Dự báo trong thời gian 2016 – 2018, thị trường Đà Nẵng sẽ đón nhận thêm nhiều sản phẩm condotel, biệt thự du lịch của các dự án đang triển khai. Đây cũng là nghiên cứu của Savills, thị trường BĐS Đà Nẵng hiện chiếm trên 50% nhu cầu của nhóm khách hàng đến từ phía Bắc, cụ thể là Hà Nội. Đặc biệt, trong thời gian gần đây ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ của các sản phẩm condotel. Theo dự báo của Savills Việt Nam, đến năm 2018, sẽ có khoảng 14.000 sản phẩm condotel gia nhập thị trường. Các sản phẩm này ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư phía Bắc bởi mức cam kết chia sẻ lợi nhuận hấp dẫn (6-12%/năm).


Rõ ràng, từ năm 2015 đến nay, thị trường BĐS Đà Nẵng có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đã xuất hiện xu hướng nhà đầu tư đề nghị được chuyển đổi đất thương mại dịch vụ sang đất xây dựng theo hình thức condotel và biệt thự du lịch (tourist villa) tại các dự án ven biển, các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan và các khu vực quy hoạch dịch vụ, du lịch.


Có thể điểm qua hàng loạt dự án condotel đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố, như: A La Carte, Ariyana Danang, F.Home, Vinpearl Condotel Ngô Quyền, Cocobay, Alphanam Luxury Apartment, Ocean Suites, Sun Premier Condotel Da Nang, Central Coast, Bavico Plaza Đà Nẵng, Hòa Bình Green Đà Nẵng, Ánh Dương… Các dự án này có đặc điểm chung là nằm ở vị trí đắc địa (trung tâm, sát sông, sát biển), tiện ích hiện đại theo tiêu chuẩn cao cấp và đặc biệt là mức cam kết lợi nhuận chủ đầu tư đưa ra với khách hàng khá hấp dẫn đi kèm những ưu đãi lớn về tín dụng. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án đã được thành phố thống nhất chủ trương đầu tư sắp tới triển khai như: 4 tòa cao ốc condotel và thương mại dịch vụ từ 41- 51 tầng tại khu vực đường An Dương Vương, Chương Dương, Phan Hành Sơn, Tourane Condotel, Condotel Royal Era 31 tầng trên đường Võ Nguyên Giáp (chủ đầu tư Cty CP TMS Hotel Đà Nẵng),…


Lý giải việc condotel nở rộ trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư BĐS cho rằng, việc đầu tư vào condotel có thể đem lợi tức cao hơn nhiều so với các kênh đầu tư khác, dòng tiền có thể lên tới 8 – 10%/năm. Với chính sách cam kết lợi nhuận từ phía chủ đầu tư, tính theo dòng tiền hiện nay thì chỉ trong vòng 5 – 7 năm đầu khai thác là đã có thể hoàn vốn đầu tư và nhận được giá trị sinh lời từ các năm sau. Hơn thế, quy định về sở hữu nhà ở cho người nước ngoài đã được nới rộng là cơ hội khá tốt để kiều bào và người nước ngoài có cơ hội sở hữu BĐS dưới dạng condotel vừa nghỉ dưỡng vừa có lợi nhuận khi không ở.




Hàng loạt dự án condotel và khách sạn mọc lên ven biển đang gây áp lực quá tải lên cơ sở hạ tầng đô thị.

Quan ngại!


Quan ngại về sự bùng nổ nhiều dự án condotel cũng như những vấn đề thủ tục pháp lý đối với hình thức condotel, cuối tháng 3-2017, Sở Xây dựng vừa ban hành Văn bản số 2159/SXD-QLQH gửi lãnh đạo thành phố kiến nghị cần quản lý quy hoạch, kiến trúc các dự án đầu tư theo hình thức condotel, biệt thự khách sạn trên địa bàn thành phố. Theo Sở Xây dựng, hiện nay Chính phủ, các Bộ ngành chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể về loại hình đầu tư này. Nếu thành phố không có cơ chế quản lý phù hợp đối với việc cho phép thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng nêu trên, khi nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ các căn hộ, biệt thự nêu trên cho người dân sẽ có nguy cơ hình thành đơn vị ở tại các khu vực có hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa phù hợp. Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực có thể là: không đảm bảo về kiến trúc cảnh quan và công tác quản lý quy hoạch đô thị; sức ép lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu vực lân cận và không đảm bảo phục vụ nhu cầu hạ tầng kỹ thuật và xã hội (trường học, bệnh viện, thiết chế văn hóa,…) cho chính cư dân của dự án. Đặc biệt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua khi họ không hiểu biết đầy đủ quy định về loại hình này, khả năng lớn xảy ra khiếu kiện về sau.


Sở Xây dựng cũng đề nghị khi xây dựng condotel, chủ đầu tư phải sở hữu tối thiểu 30% số lượng căn hộ (đối với dự án toàn bộ là căn hộ khách sạn) hoặc sở hữu số phòng khách sạn, căn hộ tối thiểu 30% về số lượng trong tổng số căn hộ và phòng khách sạn (đối với dự án là hỗn hợp căn hộ và khách sạn). Ngoài ra, yêu cầu chủ đầu tư phải có văn bản cam kết mục tiêu duy nhất của dự án là dịch vụ du lịch, không hình thành đơn vị ở và nội dung cam kết này được ghi cụ thể vào Giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, xây dựng hoàn thành 100% phần hạ tầng kỹ thuật, 30% các công trình kiến trúc của dự án thì mới được huy động vốn từ các cá nhân, tổ chức và lập thủ tục chuyển nhượng sau khi hoàn thành 100% dự án theo quy hoạch được phê duyệt…


Xuân Đương


Sử dụng Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel để đạt hiệu quả cao nhất

Bot statistics for this page


Đà Nẵng “bùng nổ” condotel

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Giảm 10-20% giá phòng nghỉ cho đoàn viên Công đoàn

Theo đó, đoàn viên CĐ, khi sử dụng phòng nghỉ của doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội Văn hóa – Du lịch CĐ sẽ được giảm giá phòng từ 10-20%. Giá giảm là giá niêm yết công khai đã được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền. Chính sách này dự kiến sẽ được thực hiện từ tháng 5-2017, nằm trong nỗ lực của tổ chức CĐ nhằm đảm bảo phúc lợi tốt hơn cho người lao động (NLĐ) là đoàn viên CĐ.



Phòng nghỉ tiện nghi tại Khách sạn Rạng Đông


Phòng nghỉ tiện nghi tại Khách sạn Rạng Đông




Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị LĐLĐ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các CĐ ngành trung ương và tương đương, CĐ Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam thông báo cho CĐ cơ sở và đoàn viên thuộc phạm vi quản lý để được hưởng những lợi ích do tổ chức CĐ mang lại.


Trước đó, ngày 24-9-2016, Hiệp hội Văn hóa – Du lịch CĐ Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng LĐLĐ Việt Nam về chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động Việt Nam với cam kết: Giảm giá cho đoàn viên CĐ khi sử dụng dịch vụ lưu trú (phòng nghỉ) của DN trực thuộc Hiệp hội thông qua thẻ đoàn viên CĐ.


Các đơn vị thành viên của Hiệp hội Văn hóa – Du lịch CĐ Việt Nam cam kết cung cấp đầy đủ thông tin về các sản phẩm dịch vụ mà đơn vị kinh doanh; thực hiện đúng cam kết về chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn viên CĐ và người NLĐ được thụ hưởng các dịch vụ của đơn vị cung cấp.


Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, sẽ phát hành thẻ đoàn viên CĐ, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thẻ để các chính sách ưu đãi thực sự đến với đoàn viên CĐ và NLĐ. Đồng thời, tạo điều kiện để các đơn vị thành viên của Hiệp hội tiếp cận các cấp CĐ, quảng bá giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến với đoàn viên và CĐ; phối hợp với các cấp CĐ tổ chức các hội chợ, sự kiện quảng bá các sản phẩm dịch vụ tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có đông công nhân lao động.



Khách sạn Rạng Đông, Công ty Cp Du lịch CĐ TP HCM (81-83 Cách mạng Tháng 8 Quận 1 TP HCM

Khách sạn Rạng Đông, Công ty Cp Du lịch CĐ TP HCM (81-83 Cách mạng Tháng 8 Quận 1 TP HCM



51 đơn vị thuộc Hiệp hội sẽ giảm giá phòng cho đoàn viên CĐ, gồm:


1. Công ty CP Du lịch Á Đông (63B Nguyễn Văn Trỗi, Đà Lạt).


2. Công ty CP Du lịch CĐ Ban Mê (Số 9 Nguyễn Chí Thanh, Tân An, Buôn Mê Thuột)


3. Công ty CP Du lịch CĐ Sơn La (Số 4 đường 26-8 Chiềng Lề, TP Sơn La)


4. Công ty CP Du lịch CĐ Thịnh Long (Thị trấn Thịnh Long Hải Hậu, Nam Định)


5. Công ty CP Du lịch CĐ – Khách sạn Rạng Đông (81-83 Cách mạng Tháng 8 Quận 1 TP HCM)


6. Công ty CP Khách sạn CĐ Quảng Bình (Trương Pháp, Hải Thành, TP Đồng Hới, Quảng Bình)


7. Công ty CP Khách sạn du lịch CĐ Quảng Trị (Số 4 Lê Lợi – Đông Hà – Quảng Trị)


8. Công ty CP Du lịch CĐ Mộc Châu (Km72 Thị Trấn Mộc Châu, Sơn La)


9. Công ty CP Du lịch CĐ Bình Định (Số 9 Lê Lợi – Quy Nhơn – Bình Định)


10. Công ty CP Khách sạn Du lịch CĐ Hồ Núi Cốc (Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên)


11. Công ty CP Thương mại Du lịch Khách sạn BMC Sầm Sơn (Số 75 Nguyễn Du, Bắc Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa)


12. Công ty Khách sạn Du lịch CĐ Sông Hương (76-86 Nguyễn Sinh Cung, Vĩ Dạ, Huế)


13. Công ty Khách sạn Du lịch CĐ Hạ Long (Hạ Long – Bãi Cháy – Quảng Ninh)


14. Công ty TNHH Du lịch CĐ Tiền Giang (61 đường 30/4 TP Mỹ Tho, Tiền Giang)


15. Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ CĐ Bà Rịa Vũng Tàu (Số 4 Trần Hưng Đạo, TP Vũng Tàu)


16. Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Thương mại Cồn Phụng (Ấp 10 – Tân Thạch, Châu Thành, Bến Tre)


17. Công ty TNHH Khách sạn CĐ Hà Tĩnh (Số 15 Phan Đình Phùng TP Hà Tĩnh)


18. Công ty TNHH Khách sạn Du lịch CĐ Thiên Cầm (Thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)


19. Công ty TNHH Khách sạn Du lịch Dịch vụ CĐ Thanh Hóa (Số 2 Bà Triệu, Sầm Sơn, Thanh Hóa)


20. Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch CĐ Thủ Đức (376 Song Hành Hà Nội, phường Trường Thọ, Thủ Đức, TP HCM).


21. Công ty TNHH MTV Du lịch CĐ Đà Nẵng (Số 2 Ông Ích Khiêm, Thanh Bình, Hải Châu, Đà Nẵng)


22. Công ty TNHH MTV Du lịch CĐ Cà Mau (Số 9 Lưu Tấn Tài – TP Cà Mau)


23. Công ty TNHH MTV Du lịch CĐ Cửa Lò (74 Bình Minh – Thị xã Cửa Lò, Nghệ An)


24. Công ty TNHH MTV Du lịch CĐ Điện Biên (Số 878 đường 7/5 Tân Thanh – Điện Biên)


25. Công ty TNHH MTV Du lịch CĐ Nam Định (121 Lê Hồng Phong, Vị Hoàng, Nam Định)


26. Công ty TNHH MTV Du lịch CĐ Việt Nam (14 Trần Bình Trọng, Hà Nội)


27. Công ty TNHH MTV Du lịch dịch vụ CĐ Hải Phòng (Số 8 Hồ Sen, Lê Chân, Hải Phòng)


28. Công ty TNHH MTV Du lịch dịch vụ CĐ Giáo dục Việt Nam (Số 1 Thi Sách, phường 8, Vũng Tàu)


29. Công ty TNHH MTV du lịch Thanh Thanh (Khu Du lịch Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh)


30. Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại CĐ Bình Dương (47/7 Nội Hóa – Bình An – Dĩ An – Bình Dương)


31. Công ty TNHH MTV Kinh Đô Hà Nội (292 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội)


32. Công ty TNHH MTV KS Công Đoàn Địa Chất (Đường Hậu Cần, Phường Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh)


33. Công ty TNHH MTV Thương Mại và Du lịch CĐ Cần Thơ (Sông Hậu, Cái Khế, Ninh Kiều, Cần Thơ)


34. Công ty TNHH NN MTV Du lịch dịch vụ CĐ Hàng Không (Số 71 Nguyễn Du, Bắc Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa)


35. Công ty TNHH NN MTV Du lịch CĐ Hà Nội (98 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội)


36. Khách sạn CĐ Việt Nam tại Hạ Long (Đông Hùng Thắng, Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh)


37. Khách sạn CĐ Việt Nam tại Hòa Bình (Mớ Đá, Hạ Bì, Kim Bôi, Hòa Bình)


38. Khách sạn CĐ Việt Nam tại Sa Pa (Tổ 5 Hàm Rồng, Thị trấn Sa Pa)


39. Khách sạn Du lịch CĐ Hội An (Số 80 Trần Hưng Đạo, Hội An, Quảng Nam)


40. Khách sạn Du lịch CĐ Phú Yên (53 Độc Lập – Tuy Hòa – Phú Yên)


41. Nhà khách CĐ Hà Giang (Số 3 Bạch Đằng TP Hà Giang)


42. Nhà khách CĐ Vĩnh Long (270 Phạm Hùng, Phường 9, TP Vĩnh Long)


43. Nhà khách LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa (13A Hoàng Hoa Thám, Nha Trang)


44. Nhà khách Tổng LĐLĐ Việt Nam (95 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội)


45. Nhà khách Tổng LĐLĐ Việt Nam-Văn phòng B (85 Cách Mạng Tháng 8, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)


46. Nhà khách Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Đà Lạt (Số 1 Yersin Phường 10 Đà Lạt, Lâm Đồng)


47. Nhà khách Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Long An (Số 139 Nguyễn Thái Bình, Tân An, Long An)


48. Nhà nghỉ CĐ Suối Hai (Cẩm Tân, Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội)


49. Nhà nghỉ CĐ Chùa Hương (Yến Vĩ, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội)


50. Nhà nghỉ dưỡng công nhân lao động Côn Đảo (Số 8 Nguyễn Đức Thuận, Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu)


51. Trung tâm hội nghị và đào tạo cán bộ CĐ (Khu 1 Vạn Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng).


An Chi


Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, resort Skyhotel

Bot statistics for this page


Giảm 10-20% giá phòng nghỉ cho đoàn viên Công đoàn

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Đại gia Nhật đua thâu tóm khách sạn tầm trung tại Việt Nam


Giữa tuần qua, Tập đoàn Route Inn Group của Nhật Bản vừa chính thức vận hành khách sạn Grandvrio City Đà Nẵng tiêu chuẩn 4 sao. Dự án 400 tỷ đồng này có thể coi là khởi động cho quá trình đổ bộ của tập đoàn khách sạn hàng đầu Nhật Bản vào phân khúc thị trường tầm trung tại Việt Nam.


Tỷ phú Nagayama Katsutoshi – Chủ tịch Hội đồng quản trị Route Inn Group chia sẻ kỳ vọng sẽ mở rộng chuỗi khách sạn và nghỉ dưỡng tại Việt Nam lên đến 50 tổ hợp từ nay đến hết năm 2025. Dự kiến tới ngày 26/5, dự án Grandvrio Ocean Resort Đà Nẵng do đơn vị này đầu tư cũng sẽ được khai trương và năm 2018 sẽ mở thêm một dự án tại Huế.


Theo thông tin từ Nikkei Asian Review, Super Hotel – một thương hiệu chuỗi khách sạn của Nhật Bản cũng đã mở 2 địa điểm tại Hà Nội trong thời gian gần đây. Đơn vị điều hành khách sạn và không gian sự kiện Kuretakeso đã mở khách sạn đầu tiên vào năm 2016 và một khách sạn thứ 2 vào tháng 2 vừa qua. 


Azumaya Hotel – một thương hiệu chuỗi khách sạn khác đến từ “đất nước mặt trời mọc” được thành lập tại Việt Nam hiện cũng đã xây dựng được 9 cơ sở. 


Trong những năm gần đây, phân khúc khách sạn tầm trung tại Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh với sự xuất hiện của nhiều “đại gia” ngoại, trong đó sự hiện diện những tập đoàn khách sạn lớn của Nhật Bản đang có xu hướng ngày càng tăng.



Có hai lý do chính dẫn đến xu hướng đầu tư này, nhằm đón đầu sự mở rộng của thị trường với yếu tố khách du lịch làm việc từ các quốc gia Đông Á và tận dụng lợi thế từ việc nắm bắt thị hiếu của khách hàng.


Những năm gần đầy, khách du lịch từ các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt là loại hình du lịch làm việc đang có xu hướng gia tăng. Được thúc đẩy từ sự xuất hiện của các công ty đa quốc gia cỡ nhỏ, những chi nhánh từ các tập đoàn nước ngoài hay những nhân sự có chuyên môn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.


Theo Tổng cục Thống kê, du khách từ 3 quốc gia kể trên chiếm khoảng 67% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016. Trong khi những khoản đầu tư mới được rót vào Việt Nam tới từ các công ty lớn như Samsung của Hàn Quốc hay các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đang có xu hướng chậm lại thì có khoảng 341 công ty Nhật Bản ở những lĩnh vực khác đã vào thị trường Việt Nam trong năm 2016, tăng 26% so với năm trước đó.


Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cũng cho thấy, 34% đơn vị được hỏi cho biết họ có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đây là kết quả cao thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan. Đồng thời, xu hướng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam đã tăng năm thứ 2 liên tiếp, trong khi Trung Quốc và Thái Lan đều giảm.


Tuy nhiên việc lựa chọn hình thức lưu trú đang trở thành rào cản lớn cho những nhân sự này, khi các khách hàng không có nhiều sự lựa chọn giữa những khách sạn xa xỉ với giá từ 200 USD mỗi đêm với những địa điểm bình dân hơn với mức giá dưới 30 USD. Thị trường đang thiếu hụt nguồn cung trong phân khúc khách sạn có mức giá từ 40 đến 100 USD, trong khi nhu cầu đang rất lớn.


Đơn cử như tại Đà Nẵng, xu hướng đầu tư vào khách sạn, dịch vụ lưu trú tại địa phương này gia tăng liên tục trong những năm gần đây, bên cạnh triển vọng du lịch, một phần lý do đến từ việc đón đầu xu hướng thị trường khi việc xây dựng các trung tâm công nghệ cao từ các doanh nghiệp trong nước như FPT hay các tập đoàn lớn từ Nhật Bản.


Tuy nhiên tính đến giữa năm 2016, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng khoảng 530 khách sạn thì riêng khối 1- 2 sao và tương đương đã chiếm khoảng 400 cơ sở.


Một số quản lý khách sạn ở đây cũng cho biết, việc đầu tư tràn lan nhưng không đúng trọng tâm của thị trường đã khiến thị trường phân cực. Một mặt các ông chủ khách sạn quy mô nhỏ tại Đà Nẵng chịu thua lỗ phải rao bán do không có khách hàng, hoặc đầu tư xong bán lại kiếm lời ngay, trong khi ở chiều ngược lại phân khúc khách sạn tầm trung có tiêu chuẩn thực sự 3-4 sao vẫn đang rất thiếu hụt.


Bên cạnh đó, việc hiểu những khách hàng đến từ Nhật Bản là một lợi thế mà những nhà phát triển dịch vụ lưu trú của đất nước “Mặt trời mọc” này có được so với những doanh nghiệp trong nước cùng phân khúc.


Theo thống kê của một số hãng lữ hành, những vị khách Nhật Bản có xu hướng lựa chọn những khách sạn của các tổ chức từ chính quốc gia này vận hành, do những yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe hơn về mặt chất lượng.


Công ty Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị – đơn vị đang vận hành 8 tầng khách sạn Super Hotel Candle tại Hà Nội – cũng cho biết, rủi ro tâm lý khách thuê phòng có tác động tương đối lớn đối với hoạt động của khách sạn, khi một bộ phận lớn khách hàng Nhật Bản – khách hàng trọng tâm chính mà đơn vị này hướng tới, là những khách hàng khó tính hơn so với khách đến từ các quốc gia khác.



Tăng doanh thu với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Bot statistics for this page


Đại gia Nhật đua thâu tóm khách sạn tầm trung tại Việt Nam