Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Châu Âu: Lối thoát nào cho ngành khách sạn?

Có 3 nhóm chủ thể chính trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, gồm khai thác kinh doanh khách sạn nhưng không sở hữu (thuê mặt bằng); quản lý qua nhượng quyền thương hiệu và quy trình (như các tập đoàn Marriott, Accor, IHG); chủ sở hữu của mặt bằng. Ngoài ra, cũng có trường hợp vừa khai thác vừa là chủ sở hữu của khách sạn.
1. Nhóm đầu tiên bị thiệt hại trực tiếp và nhiều nhất từ việc lượng khách lưu trú sụt giảm đột ngột. Có những khoản chi phí bên khai thác kinh doanh khách sạn phải gánh chịu không phụ thuộc nhiều vào sự biến động của số lượng khách, như tiền điện, bảo trì, tiền lương, vệ sinh môi trường... Nhưng quan trọng nhất vẫn là tiền thuê mặt bằng.

Ở một số nước châu Âu, việc đàm phán giữa bên thuê và chủ mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả trong trường hợp bên thuê được hỗ trợ bởi chính phủ qua các khoản vay có đảm bảo, khoản chi phí này là quá lớn trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng, do số lượng và giá phòng đều giảm mạnh.

Khó khăn nữa đối với bên khai thác kinh doanh là việc yêu cầu chi trả bảo hiểm gián đoạn kinh doanh. Phần lớn đơn bảo hiểm gián đoạn kinh doanh chỉ đảm bảo trong trường hợp thiên tai, cháy nổ nên rất ít trường hợp được các công ty bảo hiểm bồi thường.

Một chuyên gia trong ngành khách sạn của Pháp cho biết, nếu không có hỗ trợ giảm chi phí thuê và bồi thường của bảo hiểm, 25% số khách sạn sẽ phá sản từ đây cho đến cuối năm 2021, bắt đầu từ các khách sạn nhỏ. Cũng cần biết thêm rằng, trước khi Covid-19 xảy ra, mỗi ngày nước Pháp có 1 khách sạn bị xóa sổ vì sự phát triển của các loại hình lưu trú khác như Airbnb.

2. Nhóm chủ thể thứ hai bị thiệt hại là các tập đoàn quản lý khách sạn. Các tập đoàn như Marriott, InterContinental, Accor, Hyatt, Hilton giờ đây hầu như không còn sở hữu riêng khách sạn của mình, doanh thu chủ yếu dựa vào các hợp đồng nhượng quyền và quản lý.


Do vậy, khi doanh thu của các khách sạn được nhượng quyền sụt giảm, doanh thu của các tập đoàn này cũng giảm theo vì các hợp đồng đều dựa trên doanh thu.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý II-2020 của các tập đoàn này cho thấy các khoản thua lỗ không hề nhỏ.

Theo đó, Tập đoàn InterContinental lỗ 210 triệu USD khi doanh thu giảm 45%, xuống còn 1,25 tỷ USD. Tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này là Marriott lỗ 234 triệu USD.

Ngoài ra, tình hình cũng không hề sáng sủa hơn đối với các tập đoàn Accor và Hilton. Theo Chủ tịch Tập đoàn Accor Sébastien Bazin, phải đến cuối năm 2021 hay đầu năm 2022 hoạt động của tập đoàn mới trở lại mức bình thường của năm 2019. Quả vậy, tại Paris hiện nay 50% khách sạn do Accor quản lý vẫn đang đóng cửa.

Các tập đoàn này cũng đang chạy đua với thời gian để giữ 2 chỉ số quan trọng ở ngưỡng an toàn: chỉ số nợ (các khoản trả nợ định kỳ) và khả năng thanh khoản (lượng tiền mặt còn trong quỹ). Trong bối cảnh thị trường chưa được cải thiện nhiều vì khách chủ yếu của các hệ thống khách sạn này là người có thu nhập cao, doanh nhân, lưu trú cho lý do công tác, trong khi nhóm khách hàng này hiện nay rất hạn chế đi lại.

Chính vì vậy, mục tiêu của các tập đoàn này là làm sao để lượng tiền mặt bốc hơi chậm nhất, kéo dài thời gian đến khi các hoạt động đi lại trở lại bình thường.

3. Nhóm thứ ba trong ngành khách sạn cũng bị thiệt hại, nhưng ít nghiêm trọng hơn là chủ sở hữu của các bất động sản hay bên cho thuê. Một phần, các nhóm này có nguồn lực tài chính mạnh, là những cá nhân giàu có, các công ty bất động sản, hay các quỹ đầu tư lớn.




 Ở những quốc gia phụ thuộc vào du lịch hay dịch vụ lưu trú, ngành khách sạn không chỉ đóng góp quan trọng về kinh tế, còn thu hút lượng lớn lao động trực tiếp và gián tiếp. Mong năm đen tối 2020 sẽ sớm qua, các hoạt động khách sạn được trở lại bình thường như cuối 2019.

Phần khác, các hợp đồng cho thuê thường được ký dài hạn, các điều khoản cùng chia sẻ thiệt hại do đại dịch chưa được đưa vào các hợp đồng, vì Covid-19 là biến cố ngoài dự đoán khi ký hợp đồng dài hạn.

Đến lúc này, những người trong ngành kinh doanh khách sạn đều không dám đưa ra các dự đoán về triển vọng của ngành, phải trông chờ vào tiến triển của việc kiểm soát dịch bệnh. Khi các nước đóng cửa biên giới, người dân lo sợ việc đi lại, các giải pháp kích cầu đều khó đạt được hiệu quả.

Riêng đối với các tập đoàn quản lý khách sạn đa quốc gia, có thể có cánh cửa khác mở ra cho họ. Với lợi thế về quy mô và kinh nghiệm, hệ thống đặt phòng và hệ sinh thái cho khách hàng thân thiết, sau đợt sàng lọc này rất có thể nhiều khách sạn quy mô trung bình sẽ là nhóm khách hàng mới của các tập đoàn này.

Ngoài ra việc chuyển đổi mô hình kinh doanh khách sạn kết hợp coworking, hay làm việc từ khách sạn (work from hotel) để tận dụng các tiện ích sẵn có của khách sạn như nhà hàng, hồ bơi, phòng tập thể thao, cũng là giải pháp nhiều khách sạn lớn cân nhắc.

Một xu hướng mới trong việc khuyến khích du lịch nội địa, có kỳ nghỉ ngay tại nơi mình sống, cũng là cách các khách sạn thu hút thêm khách hàng. Nhiều khách sạn lớn ở Việt Nam cũng đã bắt đầu có những gói khuyến mại để người dân trải nghiệm khách sạn sang trọng với chi phí hợp lý.

Các thành phố lớn trên thế giới cũng đã có từ lâu hình thức này vào ngày cuối tuần (thường là từ trưa thứ Bảy đến trưa Chủ nhật) để tối ưu các phòng trống, giờ đây cũng đẩy mạnh sản phẩm này.
----------
(*) Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global

TS. Võ Đình Trí (*)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét