Chuyên gia pháp lý cho rằng, việc cơ quan có thẩm quyền buộc khách sạn ở Cần Thơ tháo gỡ các hình ảnh, công cụ trang trí theo kiểu bạo dâm là phù hợp với quy định của pháp luật.
Mới đây, một khách sạn tại Cần Thơ đã công khai quảng cáo mô hình phòng khách sạn trang trí theo kiểu bạo dâm. Theo chủ sở hữu thì đây là mô típ khách sạn tình nhân độc đáo, văn minh và hiện đại nhất tại Cần Thơ. Với nhiều phong cách theo xu hướng chủ tôn “độc và lạ”, đa dạng loại phòng với 15 phong cách khác nhau như phòng bạo dâm hay khổ dâm, phòng JAV, phòng 50 sắc thái,... Các phòng đều đặt sẵn ghế tantra (hình sóng lượn, tạo tư thế) cho cặp đôi, trang trí tranh ảnh bạo lực, đồi trụy,...
Trong khi dư luận đang xôn xao thì đến chiều 9/8, khách sạn này đã bị ngành chức năng của TP.Cần Thơ “tuýt còi”.
Cụ thể, Thanh tra của sở Văn hóa Thế thao & Du lịch TP.Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra nhà nghỉ này và phát hiện có 15 phòng để khách lưu trú, trong đó 13 phòng kết cấu và trang trí bình thường. Hai phòng kết cấu và bài trí hình thức bạo lực. Trong đó, một phòng kết cấu ngăn bằng khung sắt sơn màu đen, có cửa khóa lại; Bên ngoài là giường ngủ, bên trong có hai sợi xích còng tay treo trên tầng nhà, một bức ảnh một người bị khóa tay bằng dây xích. Một phòng giường ngủ làm bằng song sắt 3 vách, có trang bị hình gỗ hình chữ X, có gắn 4 dây xích còng tay và chân. Về biển hiệu có trang trí 3 sao.
Chủ cơ sở cũng đã nhận sai sót của mình, do vậy lưc lượng chức năng đã yêu cầu tháo gỡ những đồ vật, tranh ảnh bạo lực, đồi trụy, trong 3 ngày phải thay đổi kết cấu phòng, không sử dụng ngôi sao khi chưa được thẩm định, công nhận.
Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: Pháp luật quy định công dân có quyền tự do kinh doanh và mọi công dân từ 16 tuổi trở lên đều được tự do về tình dục. Pháp luật bảo vệ quyền tự do ấy bằng hệ thống các quy phạm pháp luật và điều chỉnh ở nhiều mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, các quyền tự do này không phải vô hạn mà chúng được giới hạn bởi các quyền tự do khác, các lợi ích khác của xã hội, cộng đồng,… sao cho vừa khuyến khích các quyền về tự do cá nhân vừa không kích động bạo lực, dâm ô, lối sống sa đọa, suy đồi đạo đức,..
Khách sạn hay nhà nghỉ là một trong các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, là những cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, phục vụ ăn uống và các dịch vụ bổ sung khác. Đây là nơi nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng và là nơi lý tưởng của các cặp tình nhân.
Tất cả các hoạt động này đều chịu tác động của văn hóa và các quy phạm pháp luật. Pháp luật điều chỉnh hành vi của con người, định hướng con người tới những hành vi, hoạt động có văn hóa, đảm bảo yếu tố nhân văn, hạn chế bạo lực, xung đột trong xã hội.
Dưới góc độ là một chuyên gia pháp lý, luật sư Cường cho rằng, những hành vi có yếu tố kích động bạo lực, làm phương hại đến đạo đức, văn hóa, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật bao gồm cả các hoạt động kinh doanh, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.
Luật sư Cường viện dẫn quy định tại Điều 19, Nghị định số 158/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định hành vi treo, trưng bày tranh, ảnh, lịch hay đồ vật khác có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy tại cơ sở lưu trú du lịch có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; Hành vi dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại cơ sở lưu trú du lịch có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm, đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức sẽ tăng gấp 2 lần.
Một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch là làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc (Điều 9, luật Du lịch 2017). Theo luật Du lịch và Nghị định hướng dẫn có liên quan thì trước khi đi vào hoạt động chậm nhất 15 ngày thì cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản tới sở du lịch hay sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch và cơ quan quản lý này có trách nhiệm tổ chức kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Trường hợp cơ sở lưu trú du lịch không đáp ứng điều kiện tối thiểu tương ứng với loại hình hoặc có cơ sở vật chất không phù hợp thì cơ quan chức năng phải yêu cầu cơ sở lưu trú du lịch bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp. Do đó việc cơ quan có thẩm quyền buộc khách sạn tháo gỡ các hình ảnh, công cụ không phù hợp văn hóa truyền thống là phù hợp với pháp luật về du lịch cũng như về văn hóa.
Như vậy, luật sư Cường khẳng định: "Mặc dù pháp luật cho phép công dân có quyền tự do kinh doanh và các quyền tự do cá nhân khác, tuy nhiên các quyền này phải đảm bảo truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, pháp luật không cho phép các hành vi kích động bạo lực hay các hành vi cổ vũ lối sống sa đọa, làm suy đồi đạo đức.
Những hình ảnh, công cụ thúc đẩy kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy có thể tạo ra sự tò mò để hút du khách thế nhưng nó có thể mang lại tác động tiêu cực đối với tâm lý, nhân cách con người và không phù hợp với truyền thống, định hướng văn hóa của con người Việt Nam".
“Các cơ sở lưu trú du lịch, nghỉ dưỡng ngoài việc phục vụ công dân trong nước thì là một nơi đón tiếp, quảng bá văn hóa của đất nước. Do đó, cần phải điều chỉnh các điều kiện về cơ sở vật chất kinh doanh cho phù hợp để nó mang lại những giá trị tích cực, hoàn thiện nhân cách, đạo đức con người theo hướng tốt nhất, mang tính nhân văn”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét